Tâm trạng, cảm xúc là những phản ứng rất đỗi bình thường trong đời sống hàng ngày. Bạn có thể vui, buồn, tức giận, hạnh phúc, những tâm trạng này sẽ thay đổi liên tục. Tuy nhiên, trần cảm lại khác, đây được xem là một loại bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Một trong những điều khiến bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng là người bệnh và những người xung quanh rất khó phát hiện ra bệnh. Đặc biệt, trầm cảm dễ xảy ra ở phụ nữ- những người dễ bị tổn thương tâm lý. Vậy đâu là dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở phụ nữ?
1. Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở phụ nữ
Trầm cảm là hiện tượng rối loạn tâm trạng và rất phổ biến trên thế giới. Theo như thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cứ 20 người, sẽ có 1 người từng rơi vào giai đoạn trầm cảm. Ước tính, bệnh trầm cảm xảy ra ở 3,8% dân số thế giới, tương đương 280 triệu người.
Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, mất phương hướng, khiến người bệnh thiếu động lực sống, tự ti về bản thân. Những người có tâm trạng tiêu cực, buồn, chán nản trong vài giờ, một ngày, vài ngày thì không phải mắc bệnh trầm cảm nhưng nó có thể là mầm mống sinh bệnh.
Trầm cảm thường xuất hiện khi người bệnh trải qua những mất mát hay những thay đổi đột ngột: người thân ra đi, hôn nhân tình cảm đổ vỡ, thất nghiệp, căng thẳng tài chính, thay đổi môi trường sống, bị bệnh tình kéo dài,…

Để nhận biết người thân của mình có rơi vào tình trạng trầm cảm hay không, bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở phụ nữ dưới đây:
– Tâm trạng người bệnh chán nản thường xuyên, mỗi ngày đều lặp lại như vậy.
– Giảm quan tâm, sự thích thú với những sở thích, đam mê của bản thân hay những hoạt động bên ngoài.
– Chán ăn, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, tăng cân nhanh chóng
– Thường xuyên mệt mỏi, mất năng lượng, không muốn làm gì.
– Khó tập trung, do dự, khó để đưa ra những quyết định
– Quá kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm hơn bình thường
– Người bệnh trầm cảm sẽ thường xuyên mất ngủ
– Luôn có cảm giác tội lỗi, bất lực, tự ti về bản thân, thấy bản thân thật kém cỏi.
– Thường xuyên nghĩ về cái chết, ý định tự tử.
2. Các loại trầm cảm mà phụ nữ dễ mắc phải
Mỗi độ tuổi, phụ nữ sẽ có những thay đổi về tâm sinh lý khác nhau. Đây đều là những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị mắc bệnh trầm cảm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra: tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao gấp 2 lần nam giới. Có nhiều loại bệnh trầm cảm chỉ mắc ở nữ, nam giới không bị.
2.1. Rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDĐ)
Thông thường, mọi người sẽ quen với khái niệm hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome- PMS) hơn, một số biểu hiện của PMS là: đầy bụng, đau nhức ngực, đau đầu, lo lắng, khó chịu, buồn bã bất chợt. Nhưng khi những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến học hành, công việc và những mối quan hệ khác thì hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ chuyển sang rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder – PMDĐ). Khi này, bệnh nhân trầm cảm cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị.
Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này nhưng chưa có câu trả lời chính xác. Một số giải thuyết được đặt ra như: những thay đổi theo chu kỳ của Estrogen, Progesterone và các hormon khác có thể phá vỡ chức năng của các hóa chất kiểm soát tâm trạng trong não (Serotonin). Hay những đặc điểm di truyền, trải nghiệm cuộc sống và những yếu tố khác từ môi trường sống cũng có thể khiến người bệnh bị trầm cảm.

2.2. Trầm cảm ở phụ nữ thời kỳ mang thai
Trong suốt quá trình mang thai, người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi đột ngột về hormone, dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường. Đồng thời, trong quá trình mang thai, phụ nữ còn phải chịu những áp lực cả về thể chất, sức khỏe. Trong giai đoạn này, nếu không được nghỉ ngơi, nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ những người xung quanh thì phụ nữ rất dễ mắc bệnh trầm cảm thời kỳ mang thai.
Không chỉ vậy, nếu việc mang thai là ngoài ý muốn, chưa chuẩn bị tâm lý vững vàng, đồng thời thay đổi về lối sống, công việc thì nguy cơ phụ nữ mắc bệnh trầm lại càng tăng cao.

2.3. Trầm cảm chu sinh
Trầm cảm chu sinh hay còn gọi với tên khác là trầm cảm sau sinh. Trầm cảm chu sinh vô cùng nguy hiểm với cả mẹ và bé nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Có một thuật ngữ được dùng để chỉ những cảm giác lo lắng, bất hạnh, thay đổi tâm trạng và sự mệt mỏi của các mẹ bầu sau sinh là “baby blues”. Tuy nhiên, “baby blues” thường nhẹ bà chỉ kéo dài trong khoảng 1- 2 tuần rồi biến mất khi mẹ đã thích nghi được với việc chăm con.
Nhưng trầm cảm chu sinh thì nghiêm trọng hơn rất nhiều “baby blues”. Lúc này người mẹ sẽ rơi vào tình trạng thường xuyên bất ổn, lo lắng, cảm thấy tê liệt bản thân, khóc thường xuyên và không có khả năng chăm sóc em bé. Thậm chí, khi tình trạng đã trở lên nặng hơn, mẹ sẽ có ý định tự sát và làm hại con của mình.

2.4. Trầm cảm thời kỳ tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn thường gặp trong cuộc sống của phụ nữ, với nhiều người, nó đã trở thành một sự thách thức. Giai đoạn này, nồng độ hormon sẽ dao động bất thường, phụ nữ cũng sẽ thay đổi tâm trạng theo. Sẽ có những lúc phụ nữ tức giận, bốc hỏa, khó ngủ. Đây sẽ là giai đoạn mà người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua.
Nhưng khi những cảm xúc này trở nên tiêu cực, khó kiểm soát, đi kèm là những cáu kỉnh, lo lắng, buồn bã và mất đi cả những sở thích của bản thân thì có thể bạn đã bị trầm cảm thời kỳ tiền mãn kinh.
3. Phương pháp điều trị trầm cảm ở phụ nữ được các chuyên gia khuyến cáo
Trầm cảm mặc dù đem lại rất nhiều tiêu cực cũng như nguy hiểm cho người bệnh nhưng không phải là không có cách điều trị dứt điểm. Quan trọng là người bệnh phải thật kiên trì, quyết tâm muốn được chữa khỏi. Đồng thời, sẽ tùy vào tình trạng bệnh và nguyên nhân bị mà mỗi người sẽ có những cách điều trị khác nhau.
3.1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hay còn gọi là trò chuyện trị liệu được thực hiện bằng cách nói chuyện với các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Bằng cách này, các bác sĩ sẽ hiểu hơn về bệnh nhân của mình. Từ đó sẽ giúp người bệnh hiểu thêm về sức khỏe tinh thần, hoàn cảnh cá nhân, khơi thông cảm xúc của bệnh nhân cũng như giúp bệnh nhân tăng khả năng ứng phó với các vấn đề gây căng thẳng. Quá trình trị liệu sẽ kéo dài tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, có thể vài tháng, cũng có thể vài năm.

3.2. Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Sử dụng thuốc chống trầm cảm là cách được nhiều bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân của mình nhắn thay đổi các chất hóa học trong não- yếu tố gây trầm cảm. Sử dụng thuốc sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn, cải thiện theo thời gian nhưng thuốc cũng có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn. Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, người bệnh phải thật cẩn thật, tuân thủ đúng chỉ dẫn và liều lượng của các bác sĩ và không được phép tự ý kê đơn ngoài.
3.3. Điều trị trầm cảm bằng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) khá phổ biến trong việc điều trị bệnh trầm cảm và có hiệu quả cao với các tình trạng: trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Phương pháp này tập trung tác động để thay đổi suy nghĩ, hành động của bệnh nhân:
– Đầu tiên sẽ giúp bệnh nhân nhận ra những suy nghĩ sai lệch của bản thân và tự đánh giá lại sự việc
– Đi sâu, hiểu rõ hơn về hành vi của bản thân và người khác
– Vận dụng kỹ năng để đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống
– Bồi đắp sự tự tin vào bản thân của bệnh nhân
– Giúp bệnh nhân trầm đối mặt với những sợ hãi thay vì trốn tránh như trước.
– Giúp người bệnh học cách tự làm dịu cảm xúc, tâm trạng và thư giãn cơ thể.
3.4. Phương pháp trị liệu giữa các cá nhân (IPT)
Trị liệu giữa các cá nhân (IPT) là phương pháp điều trị bệnh trầm cảm được áp dụng để điều trị rối loạn tâm trạng, cải thiện các mối quan hệ và tăng tương tác xã hội của một người. Từ đó, giúp họ xoa dịu những cơn đau tinh thần mà họ đang phải gánh chịu. Thời gian cho liệu trình điều trị từ 12- 16 tuần, mỗi tuần 1 lần cho chứng trầm cảm nặng cấp tính.
IPT được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân trầm cảm nặng ở tuổi vị thành niên và người già. Phương pháp trị liệu giữa các cá nhân còn được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và rối loạn lo âu.
3.5. Y học bổ sung
Y học bổ sung bao gồm nhiều phương pháp điều trị: Liệu pháp kích thích não bộ, xoa bóp, châm cứu, thôi miên, phản hồi sinh học. Các phương pháp này sẽ giúp người bệnh giải tỏa áp lực, mệt mỏi cơ thể, cải thiện sức khỏe và tinh thần. Với mỗi dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở phụ nữ khác nhau mà các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp khác nhau hoặc kết hợp lại với nhau.

Trên đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở phụ nữ và một số cách chữa trị từ các chuyên gia. Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ càng quan tâm, chăm sóc những người thân bên cạnh mình hơn, đặc biệt là với những người phụ nữ để có thể phát hiện kịp thời bệnh trầm cảm. Tránh khi bệnh đã trở nặng, việc chữa khỏi sẽ vô cùng khó khăn, người bệnh cũng khó có thể hòa nhập lại cuộc sống bình thường.