Xuất huyết dưới da ở trẻ em là hiện tượng sức khỏe khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều trẻ nhỏ. Xuất huyết dưới da có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Dưới đây sẽ là những điều về xuất huyết dưới da ở trẻ em mà mẹ nên biết.
1. Xuất huyết dưới da ở trẻ em là gì?
Xuất huyết dưới da đến từ việc các mạch máu dưới da bị vỡ, khiến máu rò rỉ vào các mô bị tổn thương. Bởi vậy, xuất huyết dưới da cũng rất dễ nhận biết thông qua các mảng bầm tím, xanh đen, các đốm xuất huyết li ti màu đỏ dưới da.
Xuất huyết dưới da cũng có thể được nhận biết bằng cách ấn vào các vùng da xuất huyết hoặc gần vùng da xuất huyết. Nếu làn da khỏe mạnh, thì khi ấn vào, da sẽ tái nhợt đi và hồng hào trở lại khi thả tay ra. Nhưng nếu đây là vùng da bị xuất huyết thì làn da sẽ không nhợt đi khi ấn vào mà vẫn bình thường.
Xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở trẻ từ 2- 9 tuổi. Còn với trẻ em sơ sinh thì xuất huyết dưới da ở trẻ sơ sinh là đặc trưng của chứng xuất huyết, đây cũng được coi là dấu hiệu để chẩn đoán nhiều bệnh khác.
2. Các dạng xuất huyết dưới da ở trẻ em
Xuất huyết dưới da thường được biểu hiện thông qua 2 dạng dưới đây
- Dạng 1: Các chấm xuất huyết màu đỏ, nâu hoặc tím trên bề mặt da, có kích thước <3mm hoặc lớn hơn từ 3- 10mm. Những nốt này dễ bị nhầm lẫn với bệnh phát ban. Xuất huyết dưới da không chỉ xuất hiện ở da, mà còn có thể xuất hiện trên mí mắt hoặc trong miệng.

- Dạng 2: vết bầm tím hoặc mảng da có màu xanh đen có kích thước >10mm. Lúc này, sự đổi màu của da là do các mạch máu bị vỡ, làm rò rỉ máu vào các mô bị thương.

3. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dưới da mà mẹ cần chú ý
Khi phát hiện thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh xuất huyết dưới da, cha mẹ không nên chủ quan bởi có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện này, từ nguyên nhân lành tính đến nguyên nhân do các bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư. Một số nguyên nhân gây xuất huyết dưới da ở trẻ em có thể kể đến như:
– Do các chấn thương vật lý từ bên ngoài gây bầm tím da
– Trẻ bị dị ứng hoặc cơ thể phản ứng với những tác dụng phụ của thuốc sử dụng gần đây.
– Trẻ có thể đang bị mắc một số bệnh liên quan đến suy giảm tiểu cầu: bệnh Glanzmann, thiếu tiểu cầu nguyên phát,…
– Trẻ em bị xuất huyết dưới da cũng có thể đến từ việc trẻ bị mắc một số bệnh khiến tình trạng nhiễm khuẩn trong cơ thể tăng: bệnh sởi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết do não mô, Hodgkin, đa bạch cầu,…
– Việc thiếu hụt một số dưỡng chất quan trọng như: vitamin C, Vitamin K, Vitamin B12, Acid Folic,… cũng có thể là nguyên nhân gây xuất huyết dưới da.
– Ngoài ra, các bệnh làm thiếu yếu tố đông máu cũng là nguyên nhân gây ra xuất huyết dưới da.
– Một số ít còn do viêm mạch máu, tổn thương thành mạch bẩm sinh.
4. Xuất huyết dưới da ở trẻ em có nguy hiểm không?
Xuất huyết dưới da ở trẻ em không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu vùng xuất huyết chỉ là những vết bầm tím, chấm li ti do chấn thương nhẹ và biến mất sau vài ngày thì bạn không cần lo lắng.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây xuất huyết dưới da sẽ bao gồm cả những bệnh nguy hiểm nên khi xuất huyết dưới da vô cơ xuất hiện, liên tục nhiều ngày, đi kèm là những dấu hiệu sau thì bạn nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất:
– Chân tay đều sưng tấy
– Khu vực xuất huyết bị đau, tại các vết thương hở (nếu có) máu chảy rất nhiều
– Trên da trẻ có cục u, có thể chảy máu
– Mũi, nướu răng hoặc nước tiểu, phân thường xuyên chảy máu/ có máu
Đặc biệt lưu ý với trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh bị xuất huyết dưới da có thể do hệ miễn dịch và chức năng đông máu của trẻ vẫn còn kém, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho bé, thậm chí là tử vong.
5. Cách khắc phục xuất huyết dưới da ở trẻ em
Khi thấy trẻ bị xuất huyết dưới da, để cho an tâm, mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để có được những biện pháp ngăn chặn bệnh hiệu quả. Đặc biệt là khi xuất huyết đi cùng những triệu chứng nào đó hoặc xuất huyết không có dấu hiệu thuyên giảm trong vòng 7- 10 ngày. Đồng thời, mẹ cũng có thể tham khảo một số cách khắc phục tình trạng xuất huyết dưới da dưới đây.
5.1. Giảm thiểu tình trạng xuất huyết dưới da ở trẻ em bằng dinh dưỡng
Nếu trẻ chỉ bị xuất huyết dưới da do những nguyên nhân thông thường thì cách đơn giản nhất để khắc phục là mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Dưới đây là một số nhóm chất mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ cho bé khi thấy bé bị xuất huyết dưới da:
+ Vitamin A: Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của tiểu cầu. Để bổ sung Vitamin A, mẹ có thể bổ sung vào thực đơn của bé các loại rau cải xoăn, ngũ cốc, dầu cá, cà rốt, bí ngô,…
+ Vitamin K: được biết đến như một chất cần thiết cho sự phát triển của xương khớp và hỗ trợ quá trình đông máu, Vitamin K có tác dụng rất tốt trong việc khắc phục tình trạng xuất huyết dưới da. Một số thực phẩm chứa nhiều Vitamin K như: rau chân vịt, bông cải xanh, đậu nành, củ cải,..
+ Vitamin C: đây là một trong những chất thiết yếu đối với hệ miễn dịch của cơ thể, kích thích tốc độ hấp thụ sắt và hoạt động của tiểu cầu. Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm: cam quýt bưởi, kiwi, ổi, dâu,..
+ Vitamin B9 (Acid Folic): bổ sung đầy đủ vitamin B9 sẽ thúc đẩy việc phát triển một số mô và tế bào. Để bổ sung Vitamin B9, mẹ hãy bổ sung cho bé các loại ngũ cốc, bơ, đậu, ngô, cà chua,…

5.2. Khắc phục xuất huyết dưới da ở trẻ em bằng một số biện pháp tại nhà
Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, mẹ cũng có thể khắc phục tình trạng xuất huyết dưới da cho trẻ bằng các biện pháp tạm thời dưới đây
- Chườm lạnh: Chườm lạnh sẽ giúp hạ thấp nhiệt độ, từ đó giúp giảm bớt các đốm li ti do xuất huyết hoặc các vết bầm tím dưới da do chấn thương. Chườm lạnh cũng sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng viêm dưới da. Tuy nhiên, mẹ không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da bé mà cần bọc đá bằng một miếng vải mềm, bông để tránh bé bị bỏng lạnh.
- Hạn chế tối đa tác động mạnh lên khu vực bị xuất huyết. Vì việc này có thể làm cho các vết xuất huyết dưới da trở nặng hơn và xuất huyện nhiều hơn.

6. Cách phòng chống xuất huyết dưới da ở trẻ em
Biện pháp để phòng ngừa xuất huyết nói chung và xuất huyết dưới da ở trẻ em nói riêng là tiêm vitamin K sau khi sinh. Bé chỉ cần 1 mũi tiêm là có thể nhận được sự bảo vệ cần thiết để không bị mắc các bệnh về xuất huyết. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sức đề kháng và sức khỏe của trẻ.
Mẹ cũng cần lưu ý khai báo đầy đủ về tiểu sử sử dụng thuốc trong quá trình mang thai, đặc biệt là các loại thuốc chống loãng máu, chống động kinh cho các bác sĩ để có biện pháp bảo vệ bé kịp thời khỏi nguy cơ xuất huyết.
Để chữa bệnh cũng như phòng bệnh xuất huyết dưới da, mẹ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ. Mẹ cũng cần chú ý để luôn cân bằng các loại dinh dưỡng, tránh bé bị dư hoặc thừa chất nào đó.

Khi thấy bé bị xuất huyết dưới da, mẹ không cần phải quá lo lắng. Nếu chưa tìm được nguyên nhân, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn cách chữa trị tốt nhất. Mong rằng qua bài viết này, mẹ đã hiểu hơn về bệnh xuất huyết dưới da ở trẻ em để có được những hướng giải quyết phù hợp khi bé bị bệnh.